Tham dự buổi Workshop có: PGS.TS Phạm Minh Phong – Chuyên gia đầu ngành về hoạt hình, ThS, Hoạ sĩ Nguyễn Doãn Sơn – Hoạ sĩ minh họa chuyên nghiệp cùng các thầy cô đến từ Khoa Tin học và Công nghệ Truyền hình và đông đảo các bạn sinh viên.
Trong thời đại nội dung số bùng nổ, hoạt hình không chỉ dừng lại ở phim ảnh, mà còn lan rộng ra quảng cáo, truyền thông, giáo dục, game… Đây là ngành giao thoa giữa nghệ thuật và công nghệ tạo nên những sản phẩm hoạt hình truyền cảm hứng.
Tại buổi Workshop, PGSTS Phạm Minh Phong - chuyên gia đầu ngành, giảng viên kỳ cựu trong lĩnh vực hoạt hình đã giúp cac bạn sinh viên “giải mã” quy trình thiết kế nhân vật từ tư duy hình ảnh đến các bước triển khai kỹ thuật. Ông nhấn mạnh rằng: Dù khoa học công nghệ và đặc biệt là trí tuệ nhân tạo AI đang phát triển mạnh mẽ nhưng AI không thể thay thế được bàn tay và cảm xúc của người họa sĩ. Những gì tạo nên linh hồn của nhân vật không chỉ nằm ở kỹ năng vẽ, mà còn là sự kết hợp giữa tư duy, tính cách và vai trò của nhân vật trong câu chuyện.
Tiếp nối phần chia sẻ đầy chiều sâu về mặt lý thuyết và kỹ thuật sáng tạo, ThS. Họa sĩ Nguyễn Doãn Sơn – Họa sĩ minh họa chuyên nghiệp đồng thời là người thầy được giới trẻ yêu mến đã mang đến một góc nhìn gần gũi và thực hành hơn. Thầy khéo léo “nối nhịp” với quan điểm của PGS.TS Phạm Minh Phong bằng cách đi sâu vào tính cách và vai trò nhân vật – hai yếu tố không thể thiếu để nhân vật thực sự sống động. Thầy chia sẻ rằng, bất kỳ ai cũng có thể vẽ, nhưng điều quan trọng nằm ở tư duy xây dựng nhân vật và sự độc đáo không trộn lẫn. Những “thủ thuật” trong hội họa theo họa sĩ là ngôn ngữ trang trí mang tính cá nhân hóa – điều mà không một thuật toán nào có thể tái tạo được.
Buổi workshop không chỉ dừng lại ở lý thuyết, mà còn mở ra không gian trao đổi, nơi các bạn sinh viên trường đặt được đặt câu hỏi, chia sẻ suy nghĩ và nhận phản hồi từ hai diễn giả dày dạn kinh nghiệm. Tư duy nhân vật, ngôn ngữ hình ảnh, thủ thuật trong hội họa và cách tạo nên “chất riêng” tất cả đều được chuyên gia giải đáp một cách đầy đủ và gần gũi.
Đôi khi chúng ta nhìn thấy các nhân vật rất đơn giản nhưng để nhân vật đó trở nên đáng nhớ khi nó có một ekip, nội dung và màu sắc. Giữa các nhân vật phải có sự giao thoa, tương phản nhau: lười biếng- năng động, tích cực- thụ động....Chính sự tương phản ấy sẽ làm cho các nhân vật trong câu chuyện trở nên đáng nhớ và bật ra được ngôn ngữ chúng ta muốn truyền tải, Hoạ sĩ Nguyễn Doãn Sơn chia sẻ.
Đặc biệt, Workshop còn là dịp để các bạn trẻ tìm hiểu và định hướng theo đuổi ngành học đang “hot hit” tại trường Cao đẳng Truyền hình: Ngành sản xuất hoạt hình số - nơi biến mọi ý tưởng độc đáo thành những hình ảnh chuyển động sống động. Đây là ngành học hiện đại, tích hợp giữa tư duy nghệ thuật và công nghệ số, giúp sinh viên không chỉ làm chủ kỹ năng thiết kế mà còn phát triển tư duy kể chuyện – yếu tố cốt lõi để đưa nhân vật hoạt hình đến gần hơn với khán giả.
Trường Cao đẳng Truyền hình đang mở ra cánh cửa về ngành mới tuyển sinh bắt đầu từ năm học 2025 – 2026 đó là “Sản xuất hoạt hình số” cho thế hệ sinh viên – nơi ý tưởng được thắp sáng, và đam mê với nhân vật hoạt hình sống động được nuôi dưỡng từng ngày. Nếu bạn đang mang trong mình những câu chuyện chưa kịp kể, những hình hài chưa kịp vẽ nên thì đây chính là nơi để bạn bắt đầu hành trình đó.
Một số hình ảnh buổi Workshop diễn ra tại phòng Hội thảo tầng 4- A1:
T/h: Mai Lan, Quốc Quân