Trường Cao đẳng Truyền hình, tiền thân là Trường Công nhân kỹ thuật Phát thanh được thành lập ngày 10/3/1956 tại Đài Phát thanh Mễ Trì. Đến nay, Nhà trường đã và đang đào tạo 16.456 học sinh, sinh viên các lĩnh vực báo chí, truyền thông, phát thanh, truyền hình phục vụ cho Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, các cơ quan thông tấn, báo chí và doanh nghiệp trong cả nước.
Những ngày đầu mới thành lập, Trường Cao đẳng Truyền hình gặp rất nhiều khó khăn: Đội ngũ cán bộ giáo viên thiếu; chương trình đào tạo, tài liệu giáo trình còn rất hạn chế; cơ sở vật chất đơn sơ, phòng học, nhà làm việc, nhà ăn được dựng tạm bằng tranh, nứa. Nhiệm vụ chủ yếu của Nhà trường là đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật truyền thanh, đồng thời chuẩn bị những tiền đề để đào tạo cán bộ trình độ trung cấp cho các đài truyền thanh, phát thanh cả nước.
Sau 15 năm xây dựng và phát triển, với 6 lần di chuyển qua các địa bàn và nhiều lần tách nhập, đổi tên, đổi cơ quan chủ quản, Nhà trường đã đào tạo mới hàng ngàn công nhân kỹ thuật, bổ túc tay nghề cho hàng vạn công nhân kỹ thuật bậc cao... đáp ứng yêu cầu lịch sử của ngành phát thanh Việt Nam trong giai đoạn đó. Ngoài nhiệm vụ đào tạo công nhân kỹ thuật cung cấp cho Đài Tiếng nói Việt Nam, Trường còn đào tạo các hệ công nhân kỹ thuật cung cấp cho ngành truyền hình như: Công nhân sửa chữa máy thu hình, công nhân ánh sáng truyền hình, quay phim truyền hình, công nhân dựng cảnh truyền hình, công nhân hoá trang cho truyền hình, v.v…
Năm 1973, Trường được cấp 20.000m2 tại thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội) để xây dựng trường. Sau khi đất nước thống nhất, Trường tiếp tục đào tạo công nhân kỹ thuật và các cán bộ nghiệp vụ cho các đài truyền thanh, phát thanh truyền hình từ cấp huyện, thị đến trung ương.
Ngày 01/10/1979, Uỷ ban Phát thanh Truyền hình ký quyết định chuyển Trường Công nhân Kỹ thuật Phát thanh thành Trường Nghiệp vụ Phát thanh Truyền hình trực thuộc Uỷ ban Phát thanh Truyền hình với nhiệm vụ mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ thuật và thi tay nghề cho các học viên. Năm 1984 là năm đầu tiên Trường đào tạo chính quy dài hạn các nghề phát thanh viên, biên tập viên và cán bộ quản lý Đài Truyền thanh huyện. Ngày 24/04/1987, Trường Nghiệp vụ Phát thanh Truyền hình đã được bàn giao sang trực thuộc Bộ Thông tin.
Ngày 03/12/1992, Trường được nâng cấp thành Trường Trung học Phát thanh Truyền hình. Gần 1 năm sau, ngày 01/11/1993, Trường được bàn giao về Đài Truyền hình Việt Nam và ngày 20/02/1997, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam ký quyết định đổi tên trường là Trường Trung học Truyền hình. Thời kỳ này, Trường vẫn tiếp tục đào tạo các ngành nghề như giai đoạn 1979 - 1992 ở cả hệ trung cấp và hệ công nhân kỹ thuật bậc 3/7. Ngoài ra, trường còn phối hợp với Phân viện Báo chí Truyên truyền thuộc Học viện Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đào tạo 03 lớp Đại học Báo chí tại chức gồm 242 sinh viên; Liên kết với Viện Đại học Mở Hà Nội đào tạo 06 lớp tại chức Điện tử - Viễn thông và Tin học gồm 405 sinh viên.
Ngày 21/01/2005, Trường Cao đẳng Truyền hình được thành lập trên cơ sở nâng cấp Trường Trung học Phát thanh Truyền hình. Với vị thế đào tạo cử nhân cao đẳng, Trường đã có nhiều bước đột phá trong lĩnh vực đào tạo, thông qua việc đào tạo các chức danh chuyên biệt cho ngành truyền hình, lực lượng sinh viên khi ra trường được nhiều Đài truyền hình, Đài Phát thanh - Truyền hình trong cả nước đón nhận một cách tích cực.
Từ năm 2005 đến nay, Nhà trường vừa ổn định tổ chức bộ máy vừa thực hiện các nhiệm vụ mà Đề án lên cao đẳng đã đưa ra, đó là nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng quy mô đào tạo và đã đạt được những thành công nhất định. Hiện nay, Trường có 86 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (trong đó: 04 Tiến sĩ, 46 Thạc sĩ, 32 Cử nhân đại học).
Theo thống kê từ năm 2005 đến 2020 đã có 10.216 học sinh, sinh viên tốt nghiệp (cụ thể: 6.231 cử nhân cao đẳng, 3.659 học sinh trung cấp và 326 công nhân kỹ thuật). Ngoài ra nhà trường tiếp tục tổ chức đào tạo liên thông liên kết với các trường đại học nêu trên để đào tạo nguồn nhân lực cho ngành truyền hình. Bên cạnh đó, Nhà trường tiếp tục hợp tác, liên kết với các đơn vị đào tạo đại học như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh, Đại học khoa học - Đại học Huế, v.v.. đào tạo trình độ đại học các chuyên ngành Báo chí, Quay phim, Kỹ thuật điện tử viễn thông. Trường luôn được các trường Đại học này đánh giá là cơ sở đã thực hiện một cách nghiêm túc quá trình liên kết phối hợp đào tạo, tạo nhiều điều kiện và triển khai nhiều biện pháp để phối hợp đào tạo đạt chất lượng cao.
Năm 2018, thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” của Chính phủ, được sự đồng ý của Đài Truyền hình Việt Nam, Nhà trường đã tổ chức triển khai đào tạo hệ 9+ cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. Đây là một hướng đào tạo mới, song hành giữa đào tạo nghề và văn hóa THPT sau khi học sinh đã hoàn thành chương trình trung học cơ sơ, và có thể tiếp tục liên thông lên bậc cao đẳng, rút ngắn thời gian đào tạo. Hiện nay sau 3 năm triển khai đã và đang có gần 1.000 học sinh theo học các ngành, nghề: Tin học ứng dụng; Công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông; Công nghệ điện, điện tử; Quay phim - Nhiếp ảnh; Truyền thông đa phương tiện; Kỹ thuật truyền thông đa phương tiện.
Ngoài những học sinh, sinh viên trong nước, Nhà trường còn tổ chức đào tạo nguồn nhân lực cho Đài Truyền hình quốc gia Lào. Theo đó, từ năm 2010 đến 2019 đã có 63 lưu học sinh Lào theo học và tốt nghiệp hệ Cao đẳng các ngành: Báo chí; Quay phim; Công nghệ điện ảnh - Truyền hình; Tin học ứng dụng. Hiện nay, lực lượng cán bộ này đang làm việc tại Đài Truyền hình quốc gia Lào, các đài địa phương và các cơ quan trực thuộc Bộ Thông tin - Văn hóa và Du lịch Lào.
Về nghiên cứu khoa học, từ năm 2016 đến nay Trường đã và đang tham gia 04 đề tài cấp Bộ, tổ chức nghiệm thu 04 đề tài cấp Trường và 03 đề tài cấp Khoa, biên soạn mới 05 bộ tài liệu giảng dạy chuyên ngành kỹ thuật truyền hình; rà soát, hoàn thiện và chuẩn hóa chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra các ngành/nghề được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành; đảm bảo tính khoa học, hệ thống và tính kế thừa của các chương trình đào tạo hiện hành, đáp ứng các yêu cầu về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đồng thời từng bước tiếp cận với các chương trình đào tạo tiên tiến trong khu vực, qua đó giúp người học thích ứng tốt hơn với môi trường làm việc thực tế.
Ghi nhận những thành tích của tập thể cán bộ, giảng viên và học sinh, sinh viên, Trường đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, Cờ thi đua Đài Truyền hình Việt Nam, v.v..