THÔNG TIN VỀ TRƯỜNG CAO ĐẲNG TRUYỀN HÌNH

Trần Phúc Trung
06/10/2021 - 09:59:54
THÔNG TIN VỀ TRƯỜNG CAO ĐẲNG TRUYỀN HÌNH

Tọa lạc tại 137 Trần Phú, Thường Tín, Hà Nội, Trường Cao đẳng Truyền hình đã có một bề dày lịch sử 67 năm (10/3/1956 - 10/3/2023).

1. Thông tin chung                   

- Tên trường: TRƯỜNG CAO ĐẲNG TRUYỀN HÌNH                  

- Tên tiếng Anh: COLLEGE OF TELEVISION     

- Tên viết tắt: VTV College     

- Cơ quan chủ quản: ĐÀI TRUYỀN HÌNH VIỆT NAM                   

- Địa chỉ trường: 137 Trần Phú, thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín, Thành phố Hà Nội                   

- Số điện thoại/ Fax: 024.33.851592                   

- Email: vtvcollege@vtv.vn                   

- Zalo: oa.zalo.me/3131097942155047980         

- Fanpage: fecebook.com/cdth.vtv hoặc facebook.com/tuyensinhvtvcollege.vtv         

- Năm thành lập trường:                    

+ Năm thành lập đầu tiên: 10/3/1956      

+ Năm trường trực thuộc Đài Truyền hình Việt Nam: 01/11/1993                   

+ Năm nâng cấp thành trường cao đẳng : 21/01/2005                  

- Loại hình trường: Công lập                                  

2. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức                    

Cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Trường Cao đẳng Truyền hình thực hiện theo Quyết định 1366/QĐ-THVN ngày 23/12/2023 của Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, cụ thể:                   

a) Chức năng: Trường Cao đẳng Truyền hình là cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân, trực thuộc Đài Truyền hình Việt Nam (THVN), có chức năng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và các trình độ đào tạo bồi dưỡng khác theo quy định của pháp luật để cung cấp nhân lực cho Đài THVN, các cơ quan thông tấn, báo chí trong cả nước và cho xã hội. Trường Cao đẳng truyền hình có quyền hạn về tổ chức và tài chính theo quy định hiện hành, có tài khoản riêng, con dấu riêng.                    

b) Nhiệm vụ và quyền hạn:                   

- Xây dựng kế hoạch công tác hàng năm, dài hạn của đơn vị trình Tổng Giám đốc và tổ chức thực hiện kế hoạch được phê duyệt.      

- Tổ chức tuyển sinh, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ cao đẳng, trung cấp và các trình độ khác theo quy định trong các ngành, nghề, lĩnh vực: Báo chí, truyền thông, truyền hình; quay phim và đạo diễn; nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật nghe nhìn; kỹ thuật truyền hình; máy tính và công nghệ thông tin; công nghệ kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông; quản trị - kinh doanh; ngôn ngữ văn học và văn hóa nước ngoài.      

- Tổ chức tuyển sinh đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.      

- Thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, khoa học, công nghệ phù hợp với ngành, nghề đào tạo và các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật, của Đài THVN.                     

- Quyết định công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp, chứng chỉ, giấy chứng nhận nghề theo các trình độ, chương trình, ngành nghề được đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp luật.                    

- Tổ chức nghiên cứu khoa học, biên soạn và hoàn thiện các đề cương, chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy theo quy định.        

- Hợp tác với các trường, cơ sở giáo dục đào tạo trong nước, ngoài nước và các đơn vị để tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn, dài hạn các trình độ theo quy định của pháp luật, của Đài THVN.                        

- Xây dựng, ban hành quy chế, quy định theo thẩm quyền và quản lý viên chức, người lao động của đơn vị phù hợp với quy định của pháp luật và của Đài THVN.      

- Tổ chức quản lý giáo dục học sinh, sinh viên, học viên theo quy định.      

- Phối hợp với Ban Tổ chức cán bộ xây dựng quy hoạch cán bộ, kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho viên chức và người lao động thuộc đơn vị.                   

- Quản lý, thực hiện và chịu trách nhiệm theo phân cấp về tổ chức cán bộ, tài chính, tài sản của đơn vị theo quy định của pháp luật và của Đài THVN.                   

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của Tổng Giám đốc.                   

Trong hoạt động thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, Trường Cao đẳng Truyền hình được thực hiện cơ chế quản lý tự chủ một phần chi thường xuyên theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định quyền cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.                   

c) Cơ cấu tổ chức của Trường hiện nay gồm 10 phòng/khoa/trung tâm:                   

- Phòng Tổng hợp   

- Phòng Đào tạo   

- Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng     

- Phòng Công tác chính trị             

- Khoa Đại cương                      

- Khoa Báo chí và Truyền thông                  

- Khoa Quay phim và Đạo diễn                   

- Khoa Tin học và Công nghệ truyền hình                   

- Khoa Công nghệ Điện tử, truyền thông                  

- Trung tâm Thí nghiệm - Thực hành                   

3. Nguồn nhân lực                   

a) Cán bộ, viên chức và người lao động                   

Tổng số cán bộ, công chức, viên chức, giảng viên của Trường là 130 người, trong đó: cán bộ, công chức, viên chức, giảng viên thuộc chỉ tiêu biên chế chính thức của Trường là 80 người; cán bộ, giảng viên thỉnh giảng là các chuyên gia của Đài Truyền hình Việt Nam khoảng 50 người.                   

b) Đội ngũ giảng viên                    

Để đáp ứng yêu cầu phát triển, Trường luôn quan tâm đến việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên. Coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nhân tố quyết định đến chất lượng đào tạo. Chủ trương của Trường là tiếp tục kế thừa truyền thống trên 65 năm xây dựng và phát triển, kế thừa, phát huy kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ, viên chức, giảng viên có nhiều thâm niên công tác, đồng thời từng bước trẻ hóa đội ngũ để phát huy sự năng động, sáng tạo của tuổi trẻ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên được nhà trường chú trọng và ưu tiên hàng đầu. Nhà trường cũng tích cực liên hệ, cử cán bộ, giảng viên thăm quan, tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất các chương trình tại Đài Truyền hình Việt Nam, giúp giảng viên trải nghiệm, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, đưa kiến thức thực tiễn vào trong quá trình giảng dạy. Mặt khác, Nhà trường tích cực mời đội ngũ giảng viên thỉnh giảng là các chuyên gia đầu ngành đang công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam, các cơ quan truyền thông uy tín ở Trung ương đến giảng dạy, nói chuyện chuyên đề, trao đổi nghiệp vụ, qua đó, giúp cho cán bộ, giảng viên, sinh viên của Trường được cập nhật kiến thức, kinh nghiệm, khoa học, kỹ thuật của ngành, lĩnh vực giảng dạy, học tập.                   

Để tạo môi trường thực hành, thực tập, trải nghiệm thực tiễn ngay tại Trường, bên cạnh hệ thống các phòng học thực hành theo quy định, nhà trường còn xây dựng và duy trì các mô hình sản xuất báo chí nội bộ của Trường, trong đó, sinh viên là người trực tiếp thực hiện các khâu của quá trình sản xuất, giảng viên là người cố vấn, hướng dẫn, trao đổi, rút kinh nghiệm. Đây được coi là mô hình mới, là điểm sáng trong công tác đào tạo của trường. Nhờ có các mô hình báo chí nội bộ tại Trường này, hầu hết sinh viên của Trường sau khi ra trường có khả năng thích ứng ngay với công việc thực tế, được các cơ sở tuyển dụng đánh giá cao. Thông qua việc cố vấn, hướng dẫn cho sinh viên sản xuất các loại hình báo chí nội bộ này, các giảng viên của Trường cũng có điều kiện thực hành, thực tập thường xuyên, nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, trải nghiệm những ý tưởng sáng tạo mới, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Trường.                   

Tổng số cán bộ, giảng viên làm công tác giảng dạy: 105 người , trong đó:                 

- Nam: 45 người               - Nữ: 60 người                   

- Cơ hữu: 55 người           - Thỉnh giảng: 50 người                   

- Tiến sĩ: 04 người            - Thạc sĩ: 71 người                   

4. Tuyển sinh, đào tạo                   

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, hiện nay Trường Cao đẳng truyền hình đang đào tạo các ngành, nghề sau:        

a) Hệ Cao đẳng                    

- Báo chí (Báo chí truyền hình; Báo chí đa phương tiện)                   

- Truyền thông đa phương tiện                   

- Quay phim                   

- Công nghệ Điện ảnh truyền hình                   

- Công nghệ Kỹ thuật điện, điện tử                   

- Công nghệ Kỹ thuật điện tử, truyền thông                   

- Đồ họa đa phương tiện               

- Thiết kế đồ họa                 

- Tin học ứng dụng                   

- Tiếng Anh                   

b) Hệ Trung cấp - Trung học phổ thông                   

- Truyền thông đa phương tiện                   

- Quay phim - Nhiếp ảnh                   

- Công nghệ Điện ảnh - Truyền hình (Kỹ thuật truyền thông đa phương tiện)                   

- Ngành Công nghệ Kỹ thuật điện, điện tử (Sửa chữa điện, điện lạnh)                   

- Ngành Công nghệ Kỹ thuật điện tử, truyền thông (Sửa chữa điện tử)                   

- Tin học ứng dụng                   

Hiện nay, Trường có 05 ngành, nghề trọng điểm gồm: (1) Báo chí; (2) Quay phim; (3) Công nghệ Điện ảnh - Truyền hình; (4) Truyền thông đa phương tiện; (5) Đồ họa đa phương tiện.                   

Những ngành, nghề này đã và đang được Nhà nước quan tâm đầu tư bổ sung trang thiết bị thực hành, thực tập. Hệ thống trang thiết bị này đã được Nhà trường đưa vào cho học sinh, sinh viên khai thác, sử dụng, thực hành và đang phát huy hiệu quả tốt. Người học sau khi tốt nghiệp ra trường có khả năng đáp ứng ngay yêu cầu tác nghiệp tại các cơ quan báo chí, truyền thông, được các đơn vị tuyển dụng đánh giá cao.                   

Nhà trường đang tiếp tục rà soát, xây dựng các chương trình đào tạo trình Đài Truyền hình Việt Nam và Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh vã Xã hội xem xét phê duyệt ngành/nghề trọng điểm cấp Quốc gia và khu vực trong thời gian tới như: Tin học ứng dụng, Công nghệ điện tử, truyền thông, v.v..                   

5. Cơ sở vật chất                   

Cơ sở vật chất của Nhà trường được Nhà nước và Đài Truyền hình Việt Nam quan tâm đầu tư đảm bảo cho công tác đào tạo.       

Tổng diện tích đất của Trường phục vụ đào tạo là 22.954m2, đảm bảo công tác đào tạo, sinh hoạt, học tập của học sinh, sinh viên. Số lượng phòng học lý thuyết 43 phòng, thực hành 25 phòng, các phòng chuẩn bị giảng dạy cho giảng viên, phòng Hội đồng, Hội trường, phòng nghỉ giảng viên với đầy đủ trang thiết bị, tiện nghi. Trang thiết bị phục vụ thực hành, thực tập như Trường quay, hệ thống máy quay phim, máy ảnh, hệ thống dựng hình, ti vi, máy chiếu và các trang thiết bị phục công tác giảng dạy được quan tâm đầu tư. 100% phòng học được trang bị máy chiếu, màn hình đảm bảo việc ứng dụng công nghệ vào dạy và học.                    

Khu nội trú cho học sinh, sinh viên gồm 02 tòa nhà 5 tầng với 122 phòng, đảm bảo cho 1.220 học sinh, sinh viên ở nội trú. Có các căng tin, nhà ăn đủ đảm bảo đáp ứng nhu cầu phục vụ sinh hoạt cho học sinh, sinh viên ở nội trú.                   

Nhà trường đang xây dựng Nhà giáo dục thể chất kết hợp đa năng, bể bơi, sân tập. Ngoài ra, Nhà trường cũng đã lắp đặt hệ thống camera giám sát phục vụ quản lý, điều hành và đảm bảo an ninh, an toàn trường học; tiếp tục bổ sung hệ thống trang thiết bị phục vụ thực hành, thực tập, v.v..                   

6. Quan điểm, mục tiêu                   

Xây dựng và phát triển Trường Cao đẳng Truyền hình thành Trường đào tạo trình độ cao, đa ngành, đa lĩnh vực; một trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lĩnh vực báo chí, truyền thông, truyền hình hàng đầu của Việt Nam, với một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN; một địa chỉ tin cậy, hấp dẫn đối với người học, các nhà đầu tư, giới doanh nghiệp trong và ngoài nước và đủ điều kiện trở thành một trường chất lượng cao.