Sáng 13/10/2024, Trường Cao đẳng Truyền hình phối hợp với đội Công an PCCC huyện Thường Tín tổ chức tập huấn cho cán bộ, giảng viên và học sinh, sinh viên Nhà trường về công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ.
Hội nghị có sự tham gia của Thượng tá Lê Tuấn Anh - Phó Giám đốc Công an huyện Thường Tín, Trung tá Nguyễn Hoàng Thành - Đội trưởng đội PCCC & CNCH và các đồng chí cán bộ PCCC & CNCH huyện Thường Tín. Về phía nhà trường, có TS. Trần Tiến - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường cùng các cán bộ, giảng viên và học sinh, sinh viên.
Phát biểu tại hội nghị tập huấn công tác PCCC tại trường Cao đẳng Truyền hình, Tiến sĩ Trần Tiến, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Nhiệm vụ PCCC & CNCH là hoạt động thường niên và được nhà trường đặc biệt quan tâm. Hoạt động tập huấn này sẽ giúp cán bộ, giảng viên, viên chức và học sinh, sinh viên toàn trường có thêm hiểu biết về kỹ năng PCCC và cứu nạn, cứu hộ từ đó bình tĩnh xử lý, đảm bảo an toàn cho chính bản thân cũng như những người xung quanh. Đây không chỉ là quan điểm nhà trường mà còn là quan điểm chỉ đạo của Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam “Phòng còn hơn chống”.
Tại đây, Thượng tá Lê Tuấn Anh - Phó Giám đốc Công an huyện Thường Tín đánh giá rất cao về việc nhà trường đã có sự quan tâm rất sát sao về công tác PCCC & CNCH. Từ trước đến nay Trường Cao đẳng Truyền hình và Công an huyện Thường Tín đã có sự gắn kết sâu sắc, mong rằng thời gian tới sự gắn kết này sẽ bền chặt hơn nữa để đảm bảo an ninh trật tự khu vực và công tác PCCC & CNCH của Trường Cao đẳng Truyền hình.
Trung tá Nguyễn Hoàng Thành - Đội trưởng đội PCCC huyện Thường Tín đã cung cấp những thông tin về một số vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản xảy ra trên phạm vi địa bàn TP. Hà Nội và khu vực Thường Tín trong thời gian gần đây. Đồng thời chia sẻ về kỹ năng, phương pháp tiến hành các hoạt động phòng cháy, chữa cháy ; xử lý tình huống khi phát hiện có cháy xảy ra : Kỹ năng di chuyển người bị nạn, cấp cứu người bị nạn bị nhiễm khói, khí độc; cấp cứu người bị ngừng hô hấp và tuần hoàn; cấp cứu người khi bị ngất, gãy xương… Các cách sử dụng phương tiện chữa cháy ban đầu như: Sử dụng bình CO2 chữa cháy và bình bột chữa cháy loại xách tay; sử dụng chăn chữa cháy hoặc tấm vải thấm ướt dập lửa; sử dụng lăng, vòi chữa cháy v.v..
Sau khi nắm kiến thức cơ bản về lý thuyết, tình huống giả định cán bộ, giảng viên và học sinh, sinh viên chia thực hành 8 tổ: Trực thông tin; kỹ thuật; hướng dẫn thoát nạn; chữa cháy cứu nạn, cứu hộ; di chuyển tài sản; an ninh; y tế; hậu cần.
Với sự hướng dẫn nhiệt tình của các huấn luyện viên, cùng ý thức tự giác, nghiêm túc của mỗi cá nhân, cán bộ, giảng viên, công nhân viên và học sinh, sinh viên tham gia tập huấn đã cùng nhau phối hợp thực hành cách sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ như: bình chữa cháy dạng bột, bình chữa cháy khí CO2 để dập tắt đám cháy; những kỹ năng thoát hiểm, sơ cứu nạn nhân và cách thức xử lý nhanh các tình huống có thể xảy ra.
Buổi tập huấn công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ diễn ra thật ý nghĩa. Qua đó nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc PCCC và phong trào tham gia phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ không chỉ trong khuôn viên trường học mà còn ở ngoài xã hội, góp phần giữ vững an ninh trật tự, phòng chống cháy, nổ, các sự cố cháy nổ xảy ra.
Thực hiện: Vân Anh, Mạnh Thắng - Hoàng Nam