Tham gia tập huấn có 28 cán bộ quản lý và giảng viên đến từ 7 trường Cao đẳng: Trường Cao đẳng Truyền hình, Trường Cao đẳng nghề (CĐN) Công nghiệp Hà Nội, Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông Lâm Đông Bắc, Trường CĐN Yên Bái, Trường Cao đẳng Công nghiệp Thực phẩm, Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế, Trường Cao Đẳng Lương Thực - Thực Phẩm Đà Nẵng.
Mục tiêu khóa đào tạo hướng tới các giảng viên và quản lí các trường cao đẳng nghề thuộc dự án VDV hiểu rõ hơn về công tác bảo đảm chất lượng và đánh giá của một trường cao đẳng nghề nhằm đạt được chất lượng giáo dục và đào tạo.
Đại diện Tổng cục GDNN, bà Trần Thị Thu Hà - Phó Cục trưởng Cục kiểm định chất lượng GDNN đã chia sẻ về công tác đảm bảo chất lượng tại một cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam, mang tới cách nhìn tổng quát về các công cụ, hướng dẫn, quy định về đảm bảo chất lượng mà Tổng cục GDNN đã xây dựng và áp dụng cho trong hệ thống GDNN tại Việt Nam.
Quá trình thực hiện đảm bảo chất lượng có nhiều thách thức với từng cơ sở giáo dục nghề nghiệp về nhân lực thực hiện, đối tượng đánh giá, yếu tố đánh giá và kết quả đánh giá làm sao hài lòng nhà quản lý, doanh nghiệp để có những cải tiến trong hoạt động đảm bảo chất lượng. Quá trình khảo sát, đánh giá cần tham gia của giảng viên, người học, nhà quản lý, và của các công ty, doanh nghiệp. Kết quả khảo sát cần được giải thích, đánh giá đối thoại với các bên liên quan để rút ra những gợi ý cho nhà quản lý để họ đưa ra quyết định phù hợp, bà Gunvor Krarup Vedstesen nhấn mạnh.
Bà Gunvor Krarup Vedstesen còn cho biết cách tổ chức thảo luận về cách tiếp cận tổng quát về chất lượng, đặc biệt, việc minh bạch về tài liệu và chỉ số về chất lượng để tạo tin tưởng cho người học bởi họ được tham gia đóng góp, làm chủ các mục tiêu, các chỉ số.
Để cải tiến chất lượng cần nhắm đúng mục tiêu, yêu cầu và giải quyết đúng vấn đề cần giải quyết. Muốn vậy cần có quá trình đánh giá mục tiêu, chỉ tiêu đưa ra có phù hợp hay không, cần nhìn nhận của các bên liên quan để có thể điều chỉnh, thay đổi, cải tiến phương pháp đào tạo giáo dục nghề nghiệp hướng tới đảm bảo chất lượng đào tạo.
Được biết, Trường Cao đẳng Truyền hình tham gia Dự án Phát triển Giáo dục Nghề nghiệp của Đan Mạch tại Việt Nam với nghề Thiết kế đồ họa/ngành Đồ họa Đa phương tiện từ năm 2019. Nhà trường đã xây dựng chương trình đào tạo nghề Thiết kế đồ họa /ngành Đồ họa Đa phương tiện theo tiêu chuẩn của Đan Mạch. Chương trình đào tạo này đã đáp ứng tiêu chuẩn dự án, gắn kết với thực tiễn nghề tại các Doanh nghiệp, người học được định hướng việc làm, thực tập tại Doanh nghiệp ngay từ năm thứ nhất.
Tin: Linh Chi