Chuyển đổi số báo chí phải là một cuộc cách mạng thực sự (phần cuối)

Trần Phúc Trung
04/10/2021 - 11:46:49
Chuyển đổi số báo chí phải là một cuộc cách mạng thực sự (phần cuối)

Trong môi trường số, để các đơn vị có doanh thu bền vững từ hoạt động kinh tế báo chí, việc tất yếu là phải chuyển đổi số, nhưng hướng đi nào phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam để có thể gợi mở cho các cơ quan báo chí?

Một số gợi ý về mô hình và phương thức chuyển đổi số

Trong môi trường số, để các đơn vị có doanh thu bền vững từ hoạt động kinh tế báo chí, việc tất yếu là phải chuyển đổi số, nhưng hướng đi nào phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam để có thể gợi mở cho các cơ quan báo chí? Hiện nay, đang có nhiều cách tiếp cận khác nhau về vấn đề phương thức chuyển đổi số, trong đó có thể triển khai lồng ghép theo các phương án như:

Thứ nhất, kế thừa và sử dụng công nghệ đã có trên thế giới để phân tích hành vi, thói quen của độc giả cũng như nhận biết và đánh giá nhu cầu, thị hiếu của công chúng và dư luận xã hội. Hoạt động này giúp cho sản xuất nội dung phù hợp, tạo ra sản phẩm mang tính "cá thể hóa" và đường liên kết gợi ý nội dung cho từng người, nhất là khi sử dụng tối đa công nghệ mang tính tương thích đa nền tảng, sử dụng trí tuệ nhân tạo để giúp hoạt động báo chí trở nên thuận tiện hơn, hướng tới phục vụ tốt các nhu cầu của xã hội cũng như phát triển kinh tế báo chí. Trong khi các hạ tầng xuyên quốc gia như Google, Microsoft, Facebook hay các mạng xã hội khác đều đang đẩy mạnh ứng dụng tin tức, cá nhân hóa, nhằm thu thập dữ liệu của người Việt thì các cơ quan báo chí của Việt Nam cũng cần chuẩn bị cho xu hướng cá nhân hóa nội dung, đồng thời có chiến lược sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để xây dựng nền tảng phân phối tin tức cá nhân hóa.

Thứ hai, thiết kế, sáng tạo các mô hình sản phẩm thông tin mới dựa trên nguồn tài nguyên dữ liệu hiện hữu (bao gồm cả dữ liệu gốc và thứ cấp). Một tờ báo in phát hành ngày hôm qua tưởng chừng không còn giá trị, nhưng nếu thông tin trên đó được chế tác thành tập dữ liệu, tập hợp dữ liệu được liên kết theo ngữ cảnh, cung cấp cho người đọc dưới dạng tri thức, khi đó chuỗi dữ liệu của hàng chục năm trước lại trở thành sản phẩm hàng hóa tri thức bán chạy. Tin tức được phân tích từ các dữ liệu có liên quan có thể được xâu chuỗi lại thành tri thức, cung cấp đến từng cá nhân theo từng nhu cầu riêng. Đây chính là quan điểm phát triển của báo chí dữ liệu (Data Journalism), một nhánh phát triển quan trọng của báo chí hiện đại.

Thứ ba, thông qua việc liên kết dữ liệu hoặc kết nối các hạ tầng công nghệ tích hợp theo cơ chế cộng sinh trong tầm nhìn chung của "Hệ sinh thái số Việt Nam". Do các Start - up công nghệ mới nổi lại có điểm yếu là nguồn dữ liệu và sản phẩm nội dung, vì vậy họ sẽ có nhu cầu đồng hành với cơ quan báo chí trong việc xây dựng các Platform3 sáng tạo như: Đọc tin tức với các trải nghiệm cá nhân hóa; Lựa chọn nguồn tin để theo dõi (Follow); Giới thiệu tin tức theo thị hiếu cá nhân; Sử dụng trợ lý ảo để cung cấp tin tức kịp thời; Trợ lý đa ngôn ngữ ảo (Text to Voice) v.v..

Thứ tư, thúc đẩy kết nối thanh toán điện tử, phát triển hoạt động thu phí từ độc giả. Khi mà thông tin, tin tức đã tràn ngập trên Internet, mức độ tin cậy khó đánh giá nên ảnh hưởng phần nào đến báo chí chính thống. Tuy nhiên, không gian số cũng mở ra cơ hội cho những mô hình kinh doanh mới của báo chí. Mô hình thu phí từ độc giả đang là xu hướng trên thế giới, dành cho những độc giả nghiêm túc, có nhu cầu tiết kiệm thời gian nên cần chọn lọc và thụ hưởng những thông tin chất lượng, có hàm lượng phân tích, có lượng dữ liệu nhất định. Để thu phí đạt hiệu quả, các tòa soạn phải định hướng sản xuất nội dung để độc giả trả tiền là chuyên sâu vào các lĩnh vực cụ thể và phải đầu tư xứng đáng để nâng cao chất lượng bài viết. Các vấn đề lớn, nóng được đặt lên hàng đầu, nếu không sẽ không thể có lý do để thuyết phục mọi người đăng ký mua. Bên cạnh đó cần có cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ và quyền tác giả phù hợp cho loại hình kinh doanh này.

Thứ năm, chia sẻ dữ liệu, tích hợp với các nền tảng thông tin, không gian số khác để tăng giá trị sản phẩm quảng cáo báo chí. Thói quen đọc tin tức của công chúng đang chuyển mạnh sang Mobile, IOT nhưng chưa có nhiều ứng dụng Việt phục vụ tốt nhu cầu trên các nền tảng này. Việc từng cơ quan báo chí triển khai chuyển đổi số một cách độc lập sẽ rất khó khăn. Để có thể đồng bộ chuyển đổi, các cơ quan báo chí cần có sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý, đặc biệt là các doanh nghiệp viễn thông lớn của Việt Nam, cũng như sự đồng thuận, liên kết của các cơ quan chuyên môn nhằm tạo ra sức mạnh chung, chống lại sự lấn át của các nền tảng xuyên biên giới dựa trên nền tảng xây dựng đội ngũ nhân sự phù hợp.

Thứ sáu, sử dụng công nghệ để quản lý, vận hành nhằm tối ưu hóa quy trình trình sản xuất tác phẩm, đảm bảo tốc độ và hiệu quả xuất bản thông tin. Cơ quan báo chí có thể xây dựng mạng lưới tự động giám sát, đánh giá chất lượng thông tin hay tính khách quan của sản phẩm, cung cấp chỉ số về tương tác của công chúng, mức độ tác động và hiệu quả truyền thông, từ đó hướng tới các mô hình kiểm chứng thông tin, phát hiện lỗi sai tự động.

cds4

Môi trường số tạo ra sự cạnh tranh thông tin khốc liệt, đặt toàn xã hội nói chung, các nhà báo nói riêng vào tình trạng vừa phải làm việc để tạo ra các sản phẩm truyền thông hiện tại - những sản phẩm có thể biến mất trong vòng 5-10 năm tới, song báo chí cũng phải sẵn sàng tham gia vào việc sản xuất các loại hình truyền thông của tương lai - những thể loại đang được các hãng công nghệ và cơ quan thông tấn lớn trên thế giới liên tục tạo ra để thay thế các sản phẩm truyền thống không còn phù hợp với xu hướng báo chí và các mô hình kinh tế truyền thông mới. Việc triển khai chuyển đổi số báo chí là cần thiết, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại vẫn còn có những nhận định chưa đúng, chưa phù hợp của những người làm báo, đặc biệt là những người quản lý điều hành về tiến trình này. Trước tiên, đó là sự hiểu lầm rằng chuyển đổi số là một công việc vô cùng tốn kém chi phí vật chất và thời gian, không phù hợp với các cơ quan báo chí xưa nay vẫn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước và hoạt động trên nền tảng quy trình sáng tạo tác phẩm mang tính chất kinh điển. Có thể, đó chỉ là lý do được đưa ra để trì hoãn tiến trình chuyển đổi số, báo chí đang là người đi sau, đi chậm trong xu thế chung của thời đại. Trong 10 năm qua, với sự đột phá về mặt công nghệ, như sự ra đời của các bộ mã nguồn mở, điện toán đám mây, công nghệ truyền thông hội tụ, truyền thông đa nền tảng, v.v. các cơ quan báo chí với mọi quy mô đều có thể triển khai quá trình chuyển đổi số với chi phí phù hợp. Tiếp đó, do sự phát triển rất nhanh chóng của các công nghệ mới, việc lựa chọn giải pháp nào là phù hợp luôn khiến những người làm báo gặp nhiều khó khăn; Cơ chế chính sách, nguồn lực đầu tư hạn hẹp, đặc biệt là với các cơ quan báo chí địa phương không cho phép đổi mới cả hệ thống trang thiết bị kỹ thuật trong một sớm, một chiều; Nhưng nếu, một khi cân nhắc, quyết định quá chậm sẽ lại khiến hiệu quả đạt được không như mong muốn.

Ngoài ra, nhận thức rằng việc chuyển đổi số sẽ thành công ngay sau khi cơ quan báo chí hoàn tất việc áp dụng một vài công nghệ mới nào đó là chưa đầy đủ và chính xác. Thực chất công nghệ cũng chỉ là một thứ công cụ, bản thân việc áp dụng công nghệ không thể thay đổi hoàn toàn diện mạo nội dung và hiệu quả kinh doanh. Sự thành công của chuyển đổi số phải nằm ở tư duy, trong cách mỗi phóng viên, biên tập, kỹ thuật viên, v.v.. tiếp cận và giải quyết vấn đề hàng ngày, hàng giờ. Chuyển đổi số báo chí không chỉ là hoạt động nhằm tối ưu hóa quy trình làm thế nào để sản xuất ra một sản phẩm thông tin nhanh, làm ra được nhiều nội dung, tạo ra được nhiều lợi nhuận, mà trước tiên đó phải là sự thay đổi về khả năng đổi mới không ngừng, khả năng thích ứng với những khó khăn, thậm chí là nghịch cảnh bất thường (trường hợp đại dịch COVID-19 là một ví dụ). Chuyển đổi số báo chí càng không phải là sân chơi riêng của các cơ quan trung ương, hay của những ông lớn trong làng công nghệ, trong khi số lượng các cơ quan báo chí địa phương, ngành/ lĩnh vực, các tờ báo/ kênh truyền hình chuyên biệt lại chiếm số lượng lớn hơn. Đó cũng không phải là một "xu hướng nhất thời" mà phải được nhận thức là cuộc cách mạng thực sự của báo chí trong thời đại số.

 Tác giả: Bùi Chí Trung - PGS. TS Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội